image banner
TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Xã Thụy Hương
Xã Thụy Hương

Số điện thoại: 3881289
Hộp thư cơ quan: xathuyhuong@haiphong.gov.vn

Lãnh đạo cơ quan:
- Đ/c Ngô Duy Thiếu - Chủ tịch UBND xã
- Đ/c  Bùi Văn Phất - Phó Chủ tịch UBND xã

 1. Địa giới hành chính.

Xã Thụy Hư­ơng nằm về phía Tây Nam huyện. Từ trung tâm xã đến trung tâm huyện lỵ theo đ­ường 402 dài 3 km. Bắc giáp xã Hữu Bằng; Đông giáp xã Thanh Sơn; Đông Nam giáp xã Đại Hà; Tây giáp xã Du Lễ; Tây Nam giáp xã Kiến Quốc. Tổng diện tích tự nhiên 313,88 ha.

Tr­ước năm 1838, vùng đất này thuộc tổng Trà Phương. Tổng Trà Phương gồm có 6 xã là: Trà Phương, Quế Lâm, Hương La, Xuân La, Phương Đường và Hương Đường, là phủ lỵ Kiến Thụy. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Thụy Hương được thành lập trên cơ sở tổng Trà Phương. Năm 1956, xã Thụy Hương được chia làm 2 xã: Thụy Hương và Thanh Sơn. Xã Thụy Hương còn lại 3 thôn là: Trà Phương, Quế Lâm và Phương Đôi. Trên địa bàn của xã có Núi Chè (Trà Phương), cao 52 mét so với mực nước biển, với diện tích 9,23 ha.

Theo số liệu thống kê ngày 01/4/2009, dân số của xã Thụy Hương là 4.773 người; xã có 56 dòng họ và 1.294 hộ. Mật độ dân số trung bình 1.524 người/km2. Số người trong độ tuổi lao động chiếm 52% tổng số dân. Trong đó lao động nông nghiệp chiếm 45%; lao động trong các doanh nghiệp 30% còn lại là lao động trong các ngành nghề khác. Đa số nhân dân trong xã theo đạo Phật.

  2. Lịch sử, truyền thống.

Theo thần tích của địa phương, vùng đất này được hình thành từ rất sớm có sông có núi, ruộng đồng phì nhiêu, thuận lợi cho nghề trồng trọt và chài lưới của người Việt cổ. Cuối thế kỷ thứ  X và đầu thế kỷ thứ XI, vùng đất này đã hình thành làng cổ. Dân từ các nơi di cư về đây khai phá đất hoang, lập nên làng Trà Hương. Tiếp đến là nhiều ngư dân ở rừng quế Thanh Hoá cũng đến đây định cư làm nghề chài lưới, lập ra xóm chài Quế Lâm. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên xâm lược (thế kỷ thứ XIII) và chống ách đô hộ của nhà Minh (thế kỷ thứ XV), nhiều thế hệ trai tráng của làng đã hăng hái tham gia, chiến đấu quả cảm, sát cánh cùng với tướng quân nhà Trần, nhà Lê đánh tan quân xâm lược. Đến thế kỷ thứ XVI, Trà Phương được cả nước biết đến, bởi nơi đây đã sinh ra Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Với tài trí, công dung, đức hạnh vẹn toàn, bà đã dốc sức cùng với chồng là Thái tổ Mạc Đăng Dung và Hoàng thân, Quốc thích Vương triều Mạc chấn hưng đất nước, được nhân dân khắp nơi ca tụng: “Cổ Trai đế Vương, Trà Phương Công chúa”.

Hư­ởng ứng phong trào Mạc Thiên Binh chống thực dân Pháp xâm lược  (1897), dưới sự chỉ huy của Đặng Văn Thành nhân dân trong các làng của tổng Trà Phương đã đứng lên giương cao ngọn cờ “Bình Tây, diệt Nguyễn”. Do cuộc khởi nghĩa không cân sức giữa ta và địch, nên bị thất bại, nhiều lãnh binh trung kiên và nhân dân của làng bị giết hại dã man, Đặng Văn Thành bị giặc Pháp đày đi biệt xứ tại Jibuti.

Nh­ững năm 1924-1925, trong làng có nhiều thanh niên tiến bộ, tiêu biểu có thầy khoá Nhự đã tham gia phong trào yêu nước của Phan Bội Châu lãnh đạo nhân dân làng Trà Phương, Quế Lâm, Phương Đôi và các vùng lân cận tham gia các cuộc bãi công, bãi khoá, bãi thị tại Kiến An, Hải Phòng đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu; đấu tranh trực diện với chính quyền đòi mở mang tri thức, xây dựng trường học, trạm xá, chống bắt phu dịch, tô tức nặng nề và những hủ tục đồi bại của bọn thực dân, phong kiến bày đặt ra ở nông thôn.

Thời kỳ1937, nhiều thanh niên các làng xã thuộc tổng Trà Phương tham gia hoạt động trong tổ chức “Hướng đạo sinh”. Đây chính là lực lượng nòng cốt của địa phương tham gia vào tổ chức Việt Minh cùng với các đội tự vệ võ trang của huyện đánh chiếm phủ đường Kiến Thụy tại Trà phương vào đêm 14/8/1945. Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Ban lãnh đạo Việt Minh của tổng Trà Phương được thành lập. Ngày 24/4/1946, Uỷ ban hành chính xã Thụy Hương ra đời. Ngày 11 tháng 7 năm 1947, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của xã đ­ược thành lập đánh dấu bư­ớc phát triển mới của phong trào cách mạng của địa phương.

Chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm l­ược, xã Thụy Hương nằm trong vùng tạm chiếm bị kẻ thù càn quét, bắn giết và khủng bố dã man. Nhưng cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương vẫn một lòng một dạ đi theo Đảng, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, không sợ gian khổ hy sinh, tham gia kháng chiến và phục vụ kháng chiến cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu n­ước, nhân dân Thụy Hư­ơng kiên c­ường dũng cảm “vừa sản xuất vừa chiến đấu”, vừa là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Khi đế quốc Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, Tiểu đội dân quân trực chiến của xã trên núi Trà Phương đã lập công xuất sắc bắn rơi máy bay AD6 của giặc Mỹ bằng 5 khẩu súng trường.

 Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Thụy Hương là điểm sáng của huyện về xây dựng phong trào HTX và phát triển kinh tế nông nghiệp; chuyên sản xuất rau màu xuất khẩu. Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, xã Thụy Hương có nhiều khởi sắc. Hiện nay địa phương đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn; tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng điện, đ­ường, trường, trạm, gắn phát triển kinh tế với thực hiện công bằng xã hội  “đền ơn đáp nghĩa”, “xoá đói giảm nghèo” và giải quyết việc làm cho người lao động.

Qua các thời kỳ cách mạng, xã Thụy Hương đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân ch­ương Lao động hạng Ba (1961) về thành tích phát triển kinh tế nông nghiệp và phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp; Huân chương Chiến công hạng Nhất (1965) về thành tích lập công xuất sắc bắn rơi máy bay AD6 của Mỹ; Huân chư­ơng Lao động hạng Ba thời kỳ đổi mới (2007) cùng nhiều Bằng khen của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, thành phố. Xã có 290 cá nhân đư­ợc tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến các loại, 4 bà mẹ đ­ược phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Xã có 608 ng­ười tham gia quân đội, 105 liệt sỹ, 44 th­ương bệnh binh và 18 gia đình có công với nước.

 3. Kinh tế

Kinh tế của xã Thụy Hương hiện nay chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp. Năm 2008, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 46,9%, tiểu thủ công nghiệp 38,8%, thương mại và dịch vụ 14,3%.

Trong sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng trồng trọt 49,6%, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản 40,4%. Diện tích đất nông nghiệp 180 ha, trong đó 40% diện tích cấy hai vụ lúa một vụ màu. Thụy Hương là một trong những xã dẫn đầu huyện về năng suất lúa. Năm có năng suất luá cao nhất so 10 năm gần đây, đạt 128tạ/ha. Giá trị thu nhập trên một ha canh tác năm 2008 đạt 65,3 triệu VND.

Ngành nghề ở Thụy Hương có từ lâu đời và khá phong phú như: khai thác cát, đá, đánh bắt thuỷ sản, mộc, nề, đan lát, làm bún bánh, đến nay nhiều nghề đã mai một.

Trên địa bàn hiện đã hình thành một số ngành nghề sản xuất kinh doanh mới như: gia công đồ dùng dân dụng, chế biến thực phẩm, mộc, da giày, sửa chữa nông cụ, xe máy, dịch vụ vận tải.

Nơi đây từng là phủ lỵ của huyện Kiến Thụy, nên trước kia ngành nghề thương mại dịch vụ ra đời sớm và phát triển mạnh. Tuy nhiên, sau khi chia tách địa giới hành chính (1956), địa phương đã dần mất đi về lợi thế của ngành nghề truyền thồng này.

Do yêu cầu phát triển kinh tế thị trường tại thôn Trà Phương (trung tâm xã) đã hình thành chợ tạm, tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hoá, tiêu dùng của nhân dân địa phương và các làng lân cận. Hiện nay hoạt động thương mại dịch vụ tổng hợp đang phát triển mạnh ở các thôn làng, với nhiều mặt hàng khá phong phú đa dạng.

Tuyến đường huyện lộ 402 đoạn qua xã Thụy Hương dài trên 2 km. Hệ thống đ­ường liên thôn dài 3 km đã được nhựa hoá, đạt 100%, bê tông ngõ xóm 15 km, đạt 100%. Cả xã có 4 ô tô vận tải, vận chuyển trong sản xuất nông nghiệp bằng xe thô sơ vẫn là phổ biến.

 Thu nhập bình quân đầu ngư­ời năm 2008 là 10,4 triệu VND. Số hộ có nhà mái bằng kiên cố 20%, nhà xây mái ngói 80%; số hộ dùng n­ước hợp vệ sinh 90%. Tỷ lệ ngư­ời sử dụng điện thoại thoại 25 máy/100 dân, xe máy 5 người/xe.

Cuộc vận động xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động nhân đạo từ thiện phát triển sâu rộng theo hư­ớng xã hội hoá; không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,57% theo tiêu chí mới.

 Đồ mộc dân dụng, bún Phương Đôi, dưa hấu Trà Phương và cây rau màu truyền thống như: cà chua, su hào, cải bắp, súp lơ, khoai tây, hành, tỏi là những sản phẩm đặc trưng của Thuỵ Hương.

 4. Văn hoá - xã hội.

 Thụy Hư­ơng là vùng đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá đặc sắc. Lễ hội đua thuyền và hát đúm giao duyên vào dịp rằm tháng Tám hàng năm ở “Đầm cửa Phủ” là nơi hội ngộ của du khách thập phương và “trai tài, gái sắc” trong vùng. Tương truyền vào những năm đầu thế kỷ thứ 16, Mạc Đăng Dung năm nào cũng về đây tham dự “Lễ hội trăng Rằm” và đã xe duyên kết tóc với người con gái làng Trà Phương là Vũ Thị Ngọc Toàn nổi tiếng về “công- dung- ngôn- hạnh”; câu chuyện tình ấy vẫn còn lưu truyền trong dân gian cho đến ngày nay: “Cổ Trai đế Vương, Trà Phương công Chúa”.

Dưới thời nhà Mạc (1527-1592), nhiều công trình kiến trúc cổ, bề thế, trang nghiêm được Thái tổ Mạc Đăng Dung và Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn cho trùng tu, xây dựng. Tiêu biểu là chùa Trà Phương (Thiên Phúc tự- xây dựng từ thời Lý), miếu Hai giáp, đình Cả, đình Phúc, đình Tân...gắn với nhiều sự tích huyền thoại về quá trình hình thành nên mảnh đất “sơn thuỷ, hữu tình” này.

Do bị nhà Lê-Trịnh tàn phá nặng nề, nên sau nhiều lần trùng tu tôn tạo, đến nay xã Thụy Hương còn 3 ngôi chùa; trong đó, chùa Thiên Phúc (Trà Phương) được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia và chùa Khánh Linh (Phương Đôi) là di tích cách mạng cấp Thành phố.

Kế thừa nét đẹp truyền thống xưa, cả 3 làng trong xã đều phát động nhân dân xây dựng làng văn hoá với nội dung H­ương ư­ớc mới, tiến bộ; duy trì lễ hội truyền thống của làng như: Lễ Kỳ an ở làng Quế Lâm (12 tháng Giêng), ở làng Phương Đôi (20 tháng Hai) và Giỗ Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (15 tháng Sáu Âm lịch). Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” của xã đi vào chiều sâu, 100% (3/3 làng văn hoá) đạt danh hiệu cấp huyện. Các thiết chế văn hoá được xây dựng đồng bộ và hoạt động có hiệu quả theo hướng xã hội hoá.

          Các làng xã của Thuỵ Hương xưa có truyền thống về học hành thi cử, nhiều người đỗ đạt cao, được triều đình phong kiến trọng dụng. Tiêu biểu là thầy đồ Nho (làng Trà Phương) vừa là thầy dạy, vừa là bố vợ của vua Mạc Đăng Dung; con cháu nối đời sau này đều là Hoàng thân, Quốc thích của Vương triều Mạc. Tiếp đến là Ngô Khoa Cử (Trà Phương) dự thi khoa Hương, đỗ Giám sinh; Nguyễn Đình Khoát (Phương Đôi) thi đỗ Tú tài vào thời vua Đồng Khánh.

Phát huy truyền thống hiếu học, ngành Giáo dục của xã Thụy Hư­ơng không ngừng phát triển. Xã hoàn thành xoá mù chữ năm 1960; phổ cập tiểu học năm 1995; phổ cập trung học cơ sở năm 2000; phổ cập trung học và nghề năm 2008. Trư­ờng Mầm non đạt danh hiệu tiên tiến cấp thành phố; tr­ường Tiểu học và Trung học cơ sở đạt danh hiệu tiên tiến cấp huyện. Cả xã có 2 thạc sĩ, 257 người có bằng đại học, cao đẳng, 125 người tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp (thống kê cả người thoát ly). Năm 2008 có 21 học sinh thi đỗ vào trường Đại học và Cao đẳng.

           Nhiều năm trên địa bàn xã không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, là điểm trắng về ma tuý và đạt chuẩn Quốc gia về Y tế năm 2006. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, đội ngũ y bác sỹ được tăng cường theo quy định, đảm bảo phục vụ tốt việc khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2008 là 1,25%.

 5. Định h­ướng phát triển.

Với thế mạnh vốn có nơi đây sẽ là vành đai phát triển sản xuất nông nghiệp cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhu cầu thị trường và xuất khẩu của thành phố và huyện. Đồng thời là điểm nhấn của tua “du khảo đồng quê”.

Chú trọng công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn.


image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0