Xã Ngũ Phúc
Số điện thoại thường trực: 3881076
Hộp thư cơ quan: xanguphuc@haiphong.gov.vn
- Đ/c Phạm Đức Lượng - Phó Chủ tịch UBND xã
1. Địa giới hành chính.
Xã Ngũ Phúc nằm về phía Tây Nam huyện Kiến Thụy; Bắc giáp xã An Thái (An Lão), Đông giáp xã Du Lễ và xã Kiến Quốc, Tây giáp xã An Thọ (An Lão), Nam giáp huyện Tiên Lãng bằng gianh giới là sông Văn Úc. Tổng diện tích đất tự nhiên: 810,06 ha. Từ trung tâm xã theo đường 402 về đến trung tâm huyện lỵ là 7 km. Sông Văn Úc chảy qua địa phận xã Ngũ Phúc với chiều dài 3.515 mét, qua ngàn năm bồi đắp đã tạo nên cả một vùng đất rộng lớn, phì nhiêu.
Trước năm 1945, vùng đất này có tên là tổng Nghi Dương. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 xã Ngũ Phúc được thành lập trên cơ sở tổng Nghi Dương cũ gồm các thôn: Xuân Dương, Mai Dương, Nghi Dương, Du Lễ và Tú Đôi. Thời kỳ cải cách ruộng đất năm 1956, thôn Tú Đôi và Du Lễ được tách ra thành lập xã Kiến Quốc; xã Ngũ Phúc còn lại các thôn Xuân Dương, Mai Dương và Nghi Dương. Sau đó thôn Xuân Dương lại được tách ra thành 3 thôn là thôn Chiếng, thôn Đông và thôn Đoài (dưới thời nhà Nguyễn, làng Chiếng còn có tên là Bảo Chính, làng Đông có tên là Văn Luật Đông, làng Đoài có tên là Văn Luật Đoài). Như vậy, hiện nay xã Ngũ Phúc có 5 thôn: Nghi Dương, Mai Dương, Xuân Chiếng, Xuân Đông và Xuân Đoài.
Theo số liệu thống kê ngày 01/4/2009, số dân xã Ngũ Phúc là 6.344 người. Mật độ dân số trung bình 783 người/ km2. Cả xã có 155 dòng họ và 1.823 hộ dân. Số người trong độ tuổi lao động chiếm 51,5% tổng số dân, trong đó lao động nông nghiệp chiếm 65%, còn lại là lao động các ngành nghề khác. Về tôn giáo, số đông dân Ngũ Phúc là theo đạo Phật.
2. Lịch sử, truyền thống
Xã Ngũ Phúc vốn có truyền thống lịch sử lâu đời. Vào thế kỷ XV, ở chùa Nghi Dương có nhà sư Nguyễn Sư Cối tự xưng Vương cùng Đỗ Nguyên Thố chiêu tập binh mã, phất cờ khởi nghĩa, lập đồn trại ở phía tây của làng để tập luyện và phòng thủ. Cuộc khởi nghĩa này có tiếng vang lớn cả nước, gây cho giặc Minh nhiều tổn thất nặng nề.
Hưởng ứng phong trào Mạc Thiên Binh (1897), nhân dân trong các làng thuộc xã Ngũ Phúc tích cực hưởng ứng tham gia. Thôn Bảo Chính lúc đó có ông Lã Đắc Trù được giao chức Phó Lãnh binh đã anh dũng hy sinh trong một lần quân Pháp đánh vào căn cứ.
Năm 1942, một số thanh niên được giác ngộ, bí mật tham gia tổ chức Việt Minh huyện. Năm 1943, lần đầu tiên xuất hiện truyền đơn của Việt Minh trên địa bàn xã kêu gọi nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1944, các đoàn thể cứu quốc được thành lập. Tháng 8 năm 1945, chính quyền Cách mạng lâm thời ở địa phương được thành lập. Tháng 4 năm 1946, Uỷ ban hành chính xã ra đời. Ngày 16 tháng 4 năm 1947, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên xã Ngũ Phúc được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng địa phương. Những năm kháng chiến trường kỳ, nhân dân xã Ngũ phúc đã dũng cảm vượt qua bao gian nan thử thách, đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Ngũ Phúc vừa sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu và chiến đấu giỏi, góp phần đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ, đồng thời tích cực chi viện cho tiền tuyến.
Thời kỳ xây dựng CNXH và thực hiện công cuộc đổi mới, nhân dân xã Ngũ Phúc luôn vững vàng, tự tin vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khơi dậy tiềm năng lợi thế, từng bước phát triển kinh tế – xã hội.
Qua các thời kỳ cách mạng, quân và dân xã Ngũ Phúc đã được tặng thưởng hai Huân chương kháng chiến hạng Ba về thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Huân chương chiến công hạng Ba (1968), Huân chương chiến công hạng Hai (1971), Huân chương lao động hạng Ba (1994), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (1981, 1997, 1999, 2007). Cả xã có 396 cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến các loại; có 6 Bà Việt Nam anh hùng. Hai cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng: Thiếu tướng Mai Năng, nguyên tư lệnh bộ đội đặc công được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; ông Phạm Văn Trung, giám đốc xí nghiệp tập thể Bình An được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Cả xã có1030 người tham gia quân đội, trong đó 45 người đã anh dũng hy sinh và 171 người là thương bệnh binh.
3. Kinh tế
Nông nghiệp là ngành sản xuất chủ yếu: diện tích đất nông nghiệp 416 ha; trong đó đất cấy 2 vụ lúa, 1 vụ màu chiếm 27,6%. Trong những năm gần đây, nông nghiệp có sự tăng trưởng khá, đã có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dần từ độc canh cây lúa sang sản xuất kinh doanh tổng hợp, chuyển dần từ tự túc, tự cấp sang sản xuất hàng hoá. Bước đầu đang hình thành kinh tế trang trại, gia trại.
Trong sản xuất nông nghiệp đã tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế vào sản xuất. Năng suất lúa 5 năm qua bình quân đạt 115 tạ/ha, tăng 43,8% so với năm 2000. Đàn gia súc, gia cầm phát triển khá trong 10 năm qua.
Diện tích vùng sâu trũng ngập nước quanh năm 214 ha, thích hợp với nghề nuôi trồng thuỷ sản.
Các nghề đan lát, mộc, nề, chế biến lương thực làm bún bánh nay vẫn duy trì nhưng quy mô nhỏ lẻ không thành làng nghề. Làng Xuân Chiếng xưa có nghề làm quang tre nay đã mai một.
Trên địa bàn hình thành các cơ sơ sản xuất gia công giày da, sửa chữa nông cụ, xe máy, đồ dân dụng. Xã không có chợ chính, từ trung tâm xã đến chợ Mõ (Du Lễ) là 1,5 km. Các thôn đều có chợ tạm họp buổi chiều, các hộ buôn bán nhỏ lẻ hình thành ở khắp các thôn xóm. Mạng lưới thương mại, dịch vụ đáp ứng cơ bản nhu cầu hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của người dân.
Sản phẩm đặc trưng của xã Ngũ Phúc: gạo nếp hương, tôm rảo, con rươi, con ruốc, mắm cáy và khoai lang đồng Gia.
Xã không có trục lộ chính liên huyện đi qua. Đường 402 từ Thị trấn Núi Đối-Kiến Thụy đi An Thái (An Lão) ở điểm chợ Mõ vào trung tâm xã 1,5 km. Đường phủ nhựa liên thôn 5,15 km, đạt 75,2%, bê tông ngõ xóm 7,962 km, đạt 82,5%. Cả xã có 02 xe ô tô vận tải; phương tiện vận chuyển phục vụ sản xuất bằng xe cải tiến, bằng thuyền còn khá phổ biến.
Thu nhập bình quân đầu người 2008: 12 triệu VND (chưa tổng hợp nguồn thu của người đi lao động ở xa) tăng 275% so với năm 2000.
Mức sống của người dân không ngừng được cải thiện nâng lên. Hộ có nhà xây mái bằng kiên cố 30% và dùng nước hợp vệ sinh chiếm 85% dân số. Tỷ lệ người dùng điện thoại 45 máy/100 dân; xe máy 3 người/xe; tỷ lệ hộ có ti vi chiếm 97%. Xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo 9,5% theo tiêu chí mới.
4. Văn hoá - xã hội.
Hương ước các làng xã Ngũ Phúc xưa trọng việc lễ nghĩa, đảm bảo thiết chế được duy trì nghiêm, khuyến khích thuần phong mỹ tục. Hương ước các làng năm 1933 ghi rõ tập tục hôn lễ, tang lễ, tế tự, khao vọng; qua đó, cho thấy tập tục của các làng được duy trì từ lâu đời, gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng. Hương ước các làng văn hoá nay có sự kế thừa nét đẹp truyền thống, xây dựng đời sống văn hoá mới lành mạnh, tiến bộ. Đến nay cả 5 thôn đều xây dựng làng văn hoá. Nhà văn hoá, đài phát thanh, bưu điện văn hoá xã phát huy hiệu quả hoạt động. Văn hoá cổ truyền và tín ngưỡng ở các làng xã Ngũ Phúc xưa khá phong phú. Đình chùa đều có nguồn gốc từ lâu đời: đình Nghi Dương có từ thời nhà Lý, đình Mai Dương có từ thời nhà Trần, đình Xuân Chiếng có từ thời nhà hậu Lê, đình Xuân Đông có từ thời vua Tự Đức (1836), đình Xuân Đoài có từ thời nhà Nguyễn. Đình Xuân Chiếng và Xuân Đông còn nguyên trạng nay đã được tôn tạo, ba ngôi đình khác được xây mới trên nền móng cũ. Chùa Hồng Phúc thôn Nghi Dương và chùa Trường Xuân thôn Xuân Đoài được lập từ thời nhà Lý. Chùa Phúc Minh thôn Mai Dương và chùa Danh Lam thôn Xuân Chiếng có từ thời nhà Trần. Đáng chú ý Ngũ Phúc có đền Mõ là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia thờ công chúa Thiên Thụy Trần Quỳnh Chân, con vua Trần Thánh Tông, là người có công lập chùa Nghi Dương, khai khẩn đất đai, cấp phát tiền tài, ban thưởng ân huệ cho dân trong vùng có cuộc sống no ấm.
Lễ hội đền Mõ vào ngày khánh hạ 12/2 âm lịch hàng năm từ xa xưa đã trở thành ngày hội truyền thống của dân các xã trong vùng. Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, các thiện nam tín nữ xa gần nô nức về trảy hội. Tinh thần thượng võ, ý thức cộng đồng, tự tôn dân tộc, nêu cao truyền thống nhân ái, tự cường trong mỗi người dân như được nhân lên. Đất Ngũ Phúc là đất chèo, chiếu chèo sân đình được tổ chức mang đậm nét văn hoá dân gian. Đặc biệt là lễ hội vật quân cầu ở đền Mõ đã trở nên nổi tiếng trong vùng. Vật cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Chẳng biết bắt đầu từ bao giờ, nhưng sự linh nghiệm thì đã có trong lòng người dân được truyền từ đời này qua đời khác. Qua nhiều lần tôn tạo, đền Mõ vẫn giữ được dáng nét cổ; đền còn có cây gạo hơn 700 năm tuổi, nhìn toàn cảnh đền Mõ là danh thắng đẹp trong vùng.
Ngũ Phúc xưa tuy không có nhiều người đỗ đạt cao tham gia triều chính, nhưng lại có nhiều người tham gia các kỳ thi lớn thành danh. Theo văn bia ở Văn Miếu phủ Kiến Thụy khắc năm Minh Mạng thứ 2 (1821) ghi: ở tổng Nghi Dương có 45 vị tri thức đỗ trung, đại khoa; trong đó làng Xuân Dương có 19 vị, làng Nghi Dương có 7 vị. Ông Hoàng Ngạn Chương người làng Xuân Dương đỗ tiến sỹ là 1 trong 14 người đỗ đạt cao ở huyện Nghi Dương xưa.
Phát huy truyền thống hiếu học, giáo dục của Ngũ Phúc dưới chế độ mới không ngừng phát triển về quy mô, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả. Xã xoá mù chữ năm 1959; hoàn thành phổ cập tiểu học năm 1990, trung học cơ sở năm 2000, phổ cập trung học và nghề năm 2008. Trường Mầm non đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp huyện. Trường Tiểu học là trường chuẩn cấp Quốc gia giai đoạn và danh hiệu tiên tiến xuất sắc cấp thành phố 8 năm liền. Trường THCS đạt danh hiệu tiên tiến cấp huyện 16 năm liền.
Số người có học vị tiến sỹ 4, thạc sỹ 9, đại học và cao đẳng 375 người (thống kê cả người thoát ly).
Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân dưới chế độ mới đạt được nhiều kết quả. Năm 2008 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Liên tục nhiều năm liền không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Trạm y tế xã đảm bảo đủ điều kiện khám chữa bệnh thông thường cho nhân dân địa phương. Xã là địa bàn trắng về ma tuý.
5. Định hướng phát triển.
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn xã Ngũ Phúc sẽ hình thành một khu công nghiệp tập trung bám triền đê sông Văn úc, với diện tích 450 ha, chiếm trên 1/2 diện tích toàn xã.
Cơ cấu kinh tế, lao động địa phương sẽ có biến động lớn theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Cơ sở hạ tầng, bố trí dân cư sẽ có rất nhiều thay đổi.