image banner
TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Xã Thanh Sơn
Xã Thanh Sơn

Số điện thoại: 3881271
Hộp thư cơ quan: xathanhson@haiphong.gov.vn

Lãnh đạo cơ quan:
- Đ/c Nguyễn Văn Định - Chủ tịch UBND xã
- Đ/c Vũ Văn Bẩy - Phó Chủ tịch UBND xã

1. Địa giới hàmh chính.
Xã Thanh Sơn nằm kề sát trung tâm huyện lỵ, Bắc giáp xã Hữu Bằng, thị trấn Núi Đối, Nam giáp xã Đại Hà, Đông giáp xã Minh Tân, Ngũ Đoan và sông Đa Độ, Tây giáp xã Thụy Hương. Từ trung tâm xã đến trung tâm huyện lỵ theo đường 402 là 1 km. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 350,46 ha.
Trước năm 1838, các xã: Xuân La (làng Đối), Cẩm La (Hương La) và Cẩm Hoàn (Hương Đường) thuộc tổng Trà Phương. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thuộc xã Thụy Hương. Năm 1956, xã được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Thụy Hương, bao gồm: thôn Xuân La (làng Đối), thôn Cẩm La (Lái Trong) và Cẩm Hoàn (Lái Ngoài). Năm 1987, thực hiện Quyết định số 33/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), toàn bộ diện tích và dân số của phố Thọ Xuân và một phần diện tích thôn Xuân La, Cẩm Hoàn được tách ra để thành lập thị trấn Núi Đối. Hiện nay, xã Thanh Sơn có 3 thôn: Cẩm Hoàn, Cẩm La và Xuân La. Phía Tây xã có núi Chè, phía Đông có núi Đối, có sông Đa Độ, tạo hình thế cảnh quan sơn thuỷ hữu tình.
Theo số liệu thống kê ngày 01/4/2009, xã có 37 dòng họ; 1.603 hộ gia đình với tổng số dân là 5.550 người. Mật độ dân số trung bình 1.585 người/km2. Số người trong độ tuổi lao động chiếm 66,7% tổng số dân. Trong đó lao động nông nghiệp chiếm 60%; lao động TTCN- dịch vụ 30%, còn lại là lao động trong các ngành nghề khác. Đa số dân theo đạo Phật.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển cộng đồng làng xã, nhân dân Thanh Sơn luôn phát huy truyền thống đoàn kết, chung lưng đấu cật chống lại thiên tai, giặc dã, góp sức bảo vệ và xây dựng quê hương.
2. Lịch sử, truyền thống.
Vùng đất Thanh Sơn có núi, có sông, cây trái xanh tốt bốn mùa. Theo sắc phong, thần tích của làng ghi lại, từ khi nhà Lý giành được quyền tự chủ đất nước (cuối thế kỷ thứ X, đầu thế kỷ thứ XI); vùng đất này đã có nhiều dòng họ về đây khai phá ruộng vườn phát triển nghề trồng lúa nước, săn bắt, đan lát và mở rộng giao lưu trao đổi hàng hoá với các địa phương trong vùng bằng đường thuỷ và đường bộ. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên xâm lược lần thứ 3 (1287-1288) tại Hương Đường trang (thôn Cẩm Hoàn), tướng của nhà Trần là Vũ Hải và Phạm Ngũ Lão về đây mộ binh, chuẩn bị hậu cần cho trận đánh quyết tử trên vùng biển cửa Đại Bàng (ngày 10/1/1288) giành thắng lợi. Năm 1419, nhân dân các làng Cẩm Hoàn, Cẩm La và Xuân La tích cực tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Sư Cối và Đỗ Nguyên Thố chống lại ách thống trị của nhà Minh. Dưới thời nhà Mạc (1527-1592), nơi đây đã cung cấp nhiều nhân tài, vật lực góp sức cùng Mạc Đăng Dung và Vương triều Mạc chấn hưng đất nước. Các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu (1744-1754), Phan Bá Vành (1821-1827) và phong trào Mạc Thiên Binh (1897) do Mạc Đình Phúc lãnh đạo, đều được nhân dân địa phương hết lòng ủng hộ.
 Năm 1937, nhiều thanh thiếu niên của làng Cẩm Hoàn, Cẩm La, Xuân La, Thọ Xuân tích cực tham gia hoạt động của đoàn “Hướng đạo sinh” tại Núi Đối. Từ đó, nhiều người đã được giác ngộ cách mạng trở thành lực lượng nòng cốt của địa phương. Cuối năm 1944, Mặt trận Việt Minh của xã được thành lập. Tháng 8/1945, chính quyền cách mạng địa phương được thành lập. Ngày 11/7/1947, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của xã Thuỵ Hương (nay là Thanh Sơn và Thụy Hương) được thành lập, sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của xã có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng địa phương.
           Chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Thanh Sơn kiên cường bám trụ đấu tranh, góp phần cùng quân và dân Kiến Thụy giải phóng huyện lỵ vào ngày 14/5/1955.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, với phương châm “thực túc, binh cường”, “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, lực lượng dân quân của xã phối hợp với dân quân Thuỵ Hương bắn rơi một máy bay phản lực AD6 của Mỹ trên trận địa phòng không ở núi Trà Phương. Hàng trăm thanh niên đã không tiếc máu xương, nguyện cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.        
Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới, cán bộ và nhân dân Thanh Sơn ngày đêm trăn trở, quyết tâm vượt khó vươn lên từng bước làm giàu, cuộc sống của nhân dân không ngừng được nâng cao, kinh tế phát triển, bộ mặt làng quê ngày càng khởi sắc.
 Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Sơn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương kháng chiến hạng Ba trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong thời kỳ đổi mới. Xã có 782 người tham gia quân đội, 132 người là thanh niên xung phong, 162 liệt sĩ và 38 thương bệnh binh; 4 bà mẹ được phong, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 588 cá nhân được thưởng Huân, Huy chương các loại; 4 gia đình được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Bằng có công với nước.
 3. Kinh tế.
Kinh tế xã Thanh Sơn chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp kết hợp phát triển thương mại dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Cơ cấu kinh tế năm 2008, nông nghiệp 60%; tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ 40%. Tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm gần đây là 12%/năm.
Diện tích đất nông nghiệp 170 ha. Sản lượng lương thực năm 2008 đạt 1.084 tấn, năng suất bình quân 120 tạ/ha, giá trị bình quân trên một ha canh tác đạt 55 triệu VND.
Nhân dân xã Thanh Sơn chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thuỷ sản và làm nghề thủ công mỹ nghệ. Nghề mây tre đan truyền thống của xã thời kỳ bao cấp là nguồn thu nhập chính cho dân địa phương; với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, nổi tiếng trong vùng đang được khôi phục theo hướng sản xuất hàng hoá. Dịch vụ vận tải, sản xuất đồ dùng gia dụng, sửa chữa máy nông cụ, xe gắn máy và ngành nghề khai thác vật liệu, xây dựng ngày càng phát triển.
Trên địa bàn xã hình thành nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp. Hàng hoá không chỉ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương mà còn bán buôn cho các vùng lân cận.
Đoạn đường 402 (hai chiều) từ trung tâm huyện đến hết địa phận xã Thanh Sơn dài gần 2 km. Đường liên xã được nhựa hoá dài 6,5 km; đường liên thôn phủ nhựa đạt 100%. Cả xã có 07 ô tô vận tải, 02 ôtô du lịch, phương tiện vận tải bằng ô tô đang dần thay thế phương tiện thô sơ.
 Thu nhập bình quân đầu người năm 2008 đạt 10,6 triệu VND/người, (chưa thống kê hết nguồn thu của người đi lao động ở xa).
Toàn xã có 75% số hộ dùng nước hợp vệ sinh, 20% hộ có nhà xây mái bằng kiên cố. Tỷ lệ người dùng điện thoại 32 máy/100 dân; xe máy 4 người/xe; 100% hộ gia đình đều dùng điện chiếu sáng và có phương tiện nghe nhìn.
Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện nâng cao; năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,82% theo tiêu chí mới.
Sản phẩm đặc trưng của xã Thanh Sơn ngoài mây tre đan truyền thống phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu, địa phương còn có nhiều loại nông sản nổi tiếng như: dưa hấu, khoai lang, bầu bí và rau xanh các loại.
4. Văn hoá - xã hội.
 Trên địa bàn xã Thanh Sơn có nhiều công trình văn hoá vật thể được xây dựng và bảo tồn. Đình làng Cẩm Hoàn thờ Thành hoàng: “ Phạm Quốc Công (tướng quân Phạm Ngũ Lão) và  Đông Tổ Kiến ( tướng Vũ Hải)” có công đánh giặc Nguyên. Từ đời vua Lê Thuận Thiên (Lê Lợi) đến đời vua Khải Định đều có sắc phong. Lễ hội được tổ chức trang trọng vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm. Đình làng Cẩm La thờ các vị Thành hoàng Nam hải tôn Thần, Thái Tổ, Thái Tông, Ngô Thái Cẩn đó là những người con ưu tú của làng học rộng, tài cao, đóng góp nhiều công sức cho quê hương đất nước; lễ hội được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch.
Chùa và miếu của xã Thanh Sơn hầu hết được xây dựng theo kiến trúc cổ, có nhiều pho tượng được điêu khắc tinh xảo, trạm trổ cầu kỳ mang đậm phong cách nghệ thuật thời Mạc và thời Nguyễn. Chùa Đối xây dựng ở phía tây bắc chân núi Đối (hay còn gọi là chùa trên), bị dỡ bỏ thời kỳ chống Pháp; hiện nay chỉ còn lại chùa Linh Sơn ở chân núi Chè (Xuân La), chùa Vĩnh Khánh ở làng Cẩm La, chùa Phúc Khánh và miếu Bà Sét ở làng Cẩm Hoàn. Đặc biệt, vào thời vua Minh Mạng năm thứ 2 (1821), Văn miếu phủ Kiến Thụy được xây dựng tại làng Xuân La với kiến trúc và quy mô hoành tráng (khoảng 2 mẫu Bắc Bộ) đang được khôi phục. Theo đó, vào ngày mồng 5 tháng Giêng hàng năm, làng mở lễ hội cầu an, rước Thành hoàng từ Văn Miếu về đình làng tế lễ, đồng thời tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: vật, chọi gà, cờ tướng, rước lợn ông Bồ.
Hương ước xưa của các làng xã Thanh Sơn trọng việc lễ nghĩa, giữ gìn thuần phong mỹ tục, duy trì nghiêm các mối quan hệ cộng đồng. Đến nay, 100% các làng trong xã đều phát động xây dựng làng văn hoá với nội dung hương ước đảm bảo tính kế thừa và nét đẹp truyền thống lâu đời của địa phương, xây dựng đời sống văn hoá mới. Hệ thống thiết chế văn hoá như: Nhà văn hoá, đài phát thanh, bưu điện văn hoá xã hoạt động hiệu quả. Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển mạnh, nhiều năm liên tục là điểm sáng của huyện.
Thời phong kiến, Thanh Sơn có nhiều người học hành đỗ đạt cao làm quan trong triều. Tiêu biểu là cụ Bùi Tổ Trứ, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân năm 1538 và làm quan đến chức Thừa Chính sứ; cụ Ngô Thái Cẩn đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ năm 1550, làm quan đến chức giám sát ngự sử, thuộc hàng nhất phẩm. Dưới chế độ thực dân phong kiến trên 90% dân số của xã bị thất học. Dưới chế độ mới, giáo dục của Thanh Sơn không ngừng phát triển; hoàn thành việc xoá mù chữ vào năm 1956; hoàn thành phổ cập tiểu học năm 1991; hoàn thành phổ cập trung học cơ sở năm 2000; hoàn thành phổ cập trung học và nghề năm 2008.
Theo thống kê năm 2008, toàn xã có 323 người có trình độ đại học cao đẳng (thống kê cả người thoát ly). Trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia và được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Trường tiểu học và Trung học cơ sở đạt danh hiệu tiên tiến cấp huyện.
          Xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế năm 2008 và nhiều năm liền không để xảy ra dịch bệnh. Trạm y tế xã đảm bảo đủ điều kiện khám chữa bệnh thông thường cho nhân dân địa phương.
5. Định hướng phát triển.
          Theo quy hoạch của huyện, hướng phát triển chủ yếu đến năm 2020 của Thanh Sơn là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, phát triển nhanh TTCN, thương mại, dịch vụ và du lịch. Chú trọng mô hình khu du lịch sinh thái, nhà vườn; khôi phục và duy trì làng nghề mây tre đan truyền thống. Trong nông nghiệp đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại; quy vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá nông sản sạch phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0