Xã Kiến Quốc
Số điện thoại: 3881279
Hộp thư cơ quan: xakienquoc@haiphong.gov.vn
Lãnh đạo cơ quan:
- Đ/c Đào Xuân Lập - Chủ tịch UBND xã
- Đ/c Đào Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND xã
- Đ/c Nguyễn Sỹ Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã
1. Địa giới hành chính
Xã Kiến Quốc nằm ở phía Tây Nam huyện Kiến Thụy. Bắc giáp xã Du Lễ, Đông giáp xã Thụy Hương - Đại Hà, Nam giáp xã Tân Trào và sông Văn Úc với chiều dài 1,7 km, Tây giáp xã Ngũ Phúc. Từ trung tâm xã theo đường 402 về trung tâm huyện lỵ dài 6 km.
Tổng diện tích tự nhiên của xã: 825, 98 ha.
Kiến Quốc, trước năm 1945 là xã Tú Đôi thuộc tổng Nghi Dương. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, xã Ngũ Phúc được thành lập trên cơ sở tổng Nghi Dương cũ gồm cả làng Tú Đôi, Du Lễ, Nghi Dương, Mai Dương, Xuân Dương. Thời kỳ cải cách ruộng đất (1956), xã Kiến Quốc được thành lập trên cơ sở 2 làng Tú Đôi và Du Lễ.
Ngày 10/ 01/ 2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2004 NĐ-CP chia tách xã Kiến Quốc thành lập xã Du Lễ. Xã Kiến Quốc còn lại trên cơ sở diện tích và dân cư làng Tú Đôi.
Theo số liệu thống kê ngày 1/4/2009, số dân của xã là 8.645 người. Mật độ dân số 1.047 người/km2. Cả xã có 16 dòng họ và 2482 hộ dân. Số người trong độ tuổi lao động chiếm 46% dân số, trong đó lao động nông nghiệp chiếm 63%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 16%, các hoạt động kinh doanh sản xuất thương mại, dịch vụ và các ngành nghề khác chiếm 21%.
Số đông dân số Kiến Quốc theo đạo Phật.
2. Lịch sử, truyền thống
Từ thế kỷ thứ 8, rất nhiều thanh niên trai tráng Tú Đôi đã theo tướng Trương Nữu(người Du Lễ) tham gia cuộc khởi nghĩa chống quân đô hộ nhà Đường do Phùng Hưng lãnh đạo. Thế kỷ 13, nhân dân địa phương tham gia cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên do tướng Vũ Hải (người Du Lễ) chỉ huy. Thế kỷ 18-19, nhân dân Tú Đôi tích cực tham gia các cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình phong kiến thối nát do Nguyễn Hữu Cầu (1744-1754), Phan Bá Vành (1821-1827) lãnh đạo.
Những năm 1930, đồng chí Hoàng Sĩ Yết (người làng Du Lễ) đã gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương hoạt động tích cực, tuyên truyền và gây dựng phong trào cách mạng ở địa phương. Từ năm 1937, nhiều thanh thiếu niên Tú Đôi đã tham gia tổ chức Hướng đạo sinh do đồng chí Vũ Quý lãnh đạo. Năm 1939, nhân dân Tú Đôi tổ chức đấu tranh với bọn địa chủ, quan lại buộc chúng phải nhượng bộ cấp giấy cho dân làng được phép khai khẩn, quai đắp khu đồng trên 20 ha ven đê Văn Úc để cày cấy. Đầu năm 1940, Tú Đôi dấy lên phong trào luyện vật, luyện võ, hội học chữ quốc ngữ, các hội tương trợ cũng được thành lập mục đích để che tai mắt địch, hoạt động tuyên truyền chủ trương của Việt Minh.
Tháng 8/1945 chính quyền cách mạng lâm thời của địa phương ra đời. Tháng 4/1946, Uỷ ban hành chính xã Ngũ Phúc ra đời. Tháng 4/1947, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở địa phương được thành lập.
Trong kháng chiến chống Pháp, Tú Đôi có địa bàn rộng, đông dân, lực lượng tự vệ mạnh, là nơi che giấu một bộ phận lãnh đạo của Liên tỉnh Hải- Kiến và nhân dân nội thành tản cư về, ngoài ra còn có công binh xưởng ở chùa Tú Đôi nên là trọng điểm tấn công và càn quét của địch. Đội du kích quyết tử và nhân dân Tú Đôi kiên cường chiến đấu, đánh trả, cản bước các đợt tấn công của địch. Sáng 16/10/1947, địch đổ quân đánh chiếm Trại Triều làng Tú Đôi, có pháo yểm trợ và máy bay dội xăng bắn lửa đạn tàn sát đồng bào, 75 người chết và hy sinh, nhiều gia đình có từ 2 đến 3 người chết, 60 ngôi nhà bị đốt cháy, cả làng đã trở thành đống tro tàn. Ngày 18/8/1947 (âm lịch) trở thành ngày "giỗ trận" của dân làng Tú Đôi.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Kiến Quốc đã phát huy truyền thống cách mạng, vững tay cày, chắc tay súng bảo vệ vững chắc quê hương, tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong sự nghiệp xây dựng CNXH, xã Kiến Quốc trở thành xã điểm về mô hình phát triển ngành nghề, nuôi trồng khai thác thuỷ sản, trồng cây rau màu vụ đông, đặc biệt là cây cải Tàu cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Trong công cuộc đổi mới, Kiến Quốc đẩy mạnh phát triển ngành nghề, chuyển đổi mô hình sản xuất, giải quyết việc làm tăng nguồn thu nhập cho nhân dân.
Nhân dân Kiến Quốc được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2005), Huân chương kháng chiến hạng Ba (1973), Huân chương lao động hạng Ba (1960, 1974, 2004), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (1981, 1998). Xã có 5 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 578 cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại, 825 người tham gia quân đội, 184 liệt sỹ, 74 thương bệnh binh và 65 thanh niên xung phong.
3. Kinh tế
Cơ cấu kinh tế hiện nay của xã Kiến Quốc chủ yếu vẫn là nông nghiệp chiếm 48%, Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Xây dựng cơ bản 14%, thương mại dịch vụ và các nghề khác: 38%. Tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm qua đạt 12,7%.
Diện tích đất nông nghiệp 731 ha, trong đó diện tích vùng sâu trũng quanh năm ngập nước là 182 ha. Sản lượng lương thực cao nhất đạt 4287 tấn (năm 2005) năng suất lúa đạt 121 tạ/ha, tăng 16% so với năm 2000.
Các cơ sơ sản xuất nhỏ như sửa chữa máy nông cụ, xe máy, đồ dùng dân dụng phát triển nhanh. Tổng số hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ 442 hộ, giá trị sản xuất kinh doanh đạt được năm 2008 là 15.000 triệu VND. Tăng 120% so với 2000.
Chợ Kiến Quốc ngày tuy quy mô chưa lớn nhưng hàng hoá có đủ chủng loại, đáp ứng nhu cầu thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân địa phương và các xã lân cận. Kiến Quốc còn có một chợ đầu mối hàng thuỷ sản lớn nhất vùng, mỗi ngày có từ 10-15 tấn tôm, cá các loại qua đây, thu hút hơn 300 lao động tham gia.
Trục đường 402 liên huyện qua địa bàn xã dài 1,9 km. Hệ thống đường liên thôn phủ nhựa dài 5,95 km, đạt 100%; đường bê tông ngõ xóm 10,2 km, đạt 90 %. Xã có 22 xe ô tô dần thay thế phương tiện thô sơ.
Thu nhập bình quân đầu người 2008: 10,67 triệu VND (chưa thống kê hết nguồn thu của người đi lao động ở xa). Hộ có nhà xây mái bằng kiên cố 25 %; dùng nước hợp vệ sinh chiếm 90 % dân số. Tỷ lệ dùng điện thoại 25 máy/100 dân, hộ có ti vi 99%; xe máy bình quân 6 người/xe.
Tỷ lệ hộ nghèo 9,5 % theo tiêu chí mới.
Sản vật đặc trưng của Kiến Quốc là các loại cá đồng, cá nước lợ, thực phẩm chế biến từ rươi, chuột đồng, rắn. các loại trái cây vùng đồng bãi ven sông như cam chua, hồng không hạt. Giống cải tàu lá xanh, bẹ to, nặng từ 2,5 đến 3kg, nổi tiếng trong vùng.
4. Văn hoá - xã hội.
Kiến Quốc là một làng cổ được đánh giá là làng có văn học, phong tục thuần hậu. Trải suốt chiều dài lịch sử người dân Kiến Quốc không ngừng vun đắp truyền thống yêu nước, cần cù lao động, kiên cường chống áp bức bóc lột, chống giặc ngoại xâm, bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc.
Xưa kia hạn hán kéo dài, nhân dân ven sông biển thường mở hội cầu mưa (cầu đảo) bằng cách tổ chức vật, do vậy thanh niên Kiến Quốc có tài đánh vật nổi tiếng. Lễ hội ở Tú Đôi xưa rất phong phú, đặc sắc. Hàng năm, vào tiết thu tháng tám âm lịch, cả làng lại rộn rã vào hội hát đúm, bơi thuyền trên đầm chiêm, ruớc đèn kéo quân, ruớc trống múa kỳ lân. Trai thanh, nữ tú trong vùng về dự hội rất đông. Lễ hội "Rước lợn ông Bồ" vào ngày 4 tháng chạp hàng năm ở Miếu thờ vị thuỷ thần (Tương truyền thần miếu đã phù vua Lê Đại Hành đánh tan quân giặc, miếu vẫn lưu 6 sắc phong triều Nguyễn). Lễ hội "Giao thuyền" được tổ chức vào ngày 6 tháng giêng. Lễ hội "Rước lợn Ông Bồ" và lễ hội "Giao thuyền" nay đã được địa phương khôi phục, duy trì ngày càng mở rộng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Đình, chùa Tú Đôi được công nhận là Di tích lịch sử Văn hoá cấp thành phố. Đình Tú Đôi xưa xây dựng khá lớn, kiến trúc bề thế, bằng gỗ lim, khuôn viên rộng có hồ sen. Chùa Tú Đôi được xây dựng từ khá sớm, qua tu sửa nhiều lần, tượng phật, đồ thờ, chuông đồng vẫn được gìn giữ.
Hương ước các làng xã Kiến Quốc xưa trọng việc lễ nghĩa, đảm bảo cho thiết chế làng xã được duy trì nghiêm, khuyến khích thuần phong mỹ tục. Văn bia, câu đối đại tự còn lưu tại các từ đường các dòng họ đều khuyên răn các thế thế hệ con cháu phải thật thà, bền chí, cần cù lao động, tu tâm tích đức, coi trọng phẩm giá con người.
Hương ước nay có sự kế thừa nét đẹp truyền thống, xây dựng đời sống văn hoá mới. Thiết chế văn hoá đồng bộ. Nhà văn hoá, đài phát thanh, bưu điện văn hoá xã hoạt động hiệu quả, 8/9 thôn đạt thôn dân cư văn hoá. Phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển mạnh. Xã thành lập đội hát chèo phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá văn nghệ địa phương.
Người dân Tú Đôi xưa rất coi trọng học hành, có nhiều người tham gia các kỳ thi lớn. Theo gia phả họ Đào, cụ Đào Đăng Đống thi hương đỗ Nhị trường. Cụ Vũ Phú Lương làm quan võ dưới triều Nguyễn. Theo văn bia ở Văn miếu Xuân La (phủ Kiến Thuỵ), năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) ghi rõ ở Tú Đôi có Nguyễn Danh Kham, Nguyễn Đình Nhưng đỗ đạt cao. Đây là 2 ông trong số 45 tri thức thuộc tổng Nghi Dương thời đó.
Phát huy truyền thống hiếu học, giáo dục của xã Kiến Quốc dưới chế độ mới không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng. Xã đã xoá mù chữ năm 1958; hoàn thành phổ cập tiểu học năm 1990, trung học cơ sở năm 2000, phổ cập trung học và nghề năm 2008. Cả 3 trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở nhiều năm đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp huyện. Số người có học vị tiến sỹ, thạc sỹ 35, đại học, cao đẳng 286 (thống kê cả người thoát ly).
Dưới chế độ mới công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân đạt được nhiều kết quả. Đến nay, Trạm y tế xã có 10 phòng làm việc và phòng chức năng, có vườn cây thuốc nam đảm bảo đủ điều kiện khám chữa bệnh thông thường cho nhân dân địa phương. Năm 2008, xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Liên tục nhiều năm liền không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Xã là địa bàn trắng về ma tuý.
5. Định hướng phát triển
kiến Quốc có tiềm năng lớn về lao động, đất đai và phát triển ngành nghề. Vùng diện tích sâu trũng và vùng đầm bãi rộng là thế mạnh để địa phương đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác thủy sản, lấy nuôi trồng và khai thác thủy sản là mũi nhọn phát triển kinh tế. Quy hoạch xây dựng chợ đầu mối thuỷ sản, phát triển dịch vụ thuỷ sản. Nông nghiệp hướng vào quy hoạch phát triển vùng lúa cao sản, vùng chuyên canh cây rau màu sạch, đặc biệt khôi phục giống cây cải Tàu truyền thống. Phát triển các loại cây ăn quả: cam chua, hồng không hạt và các loại cây khác có giá trị kinh tế cao.