Thị trấn Núi Đối
Số điện thoại cơ quan: 3881674
Hộp thư cơ quan: thitrannuidoi@haiphong.gov.vn
Đ/c Nguyễn Văn Dúy - Chủ tịch UBND thị trấn
Đ/c Phạm Việt Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn
Đ/c Nguyễn Thị Ánh Toan - Phó Chủ tịch UBND thị trấn
1. Địa giới hành chính
Thị trấn Núi Đối là huyện lỵ huyện Kiến Thuỵ; Đông giáp xã Minh Tân; Tây và Nam giáp xã Thanh Sơn; Bắc giáp xã Đại Đồng và xã Hữu Bằng.
Tổng diện tích tự nhiên của thị trấn Núi Đối: 144,84 ha.
Quá trình hình thành được thiên nhiên ưu đãi, khéo tạo cho thị trấn có cảnh "Sơn-thuỷ hữu tình" mà hiếm có một nơi nào vùng đồng bằng Duyên hải Bắc Bộ có được. Núi Đối (Đối sơn) nay một phần thuộc thôn Xuân La xã Thanh Sơn một phần thuộc thị trấn Núi Đối soi mình bên dòng Đa Độ như dải lụa mềm. Dòng Đa Độ, đoạn qua thị trấn Núi Đối rộng trên trăm mét, dài 5 km.
Năm 1935, thực dân Pháp lập tuyến đường nối Hải Phòng- Kiến An- Kiến Thuỵ và xây cống nối hai bờ Đa Độ đặt tên là cống Đối. Đây là cống bê tông cốt thép lớn đầu tiên trong vùng. Dân cư Xuân La thuộc tổng Trà Phương thấy vị trí thuận lợi ở bờ nam cống Đối ra đây sinh sống. Dân cư Thọ Linh thuộc tổng Sâm Linh rời làng ra bờ bắc sinh sống làm ăn. Cuối năm 1947, thực dân Pháp tái chiếm huyện Kiến Thuỵ, chuyển phủ lỵ từ thôn Trà Phương (Thuỵ Hương) về chân núi Đối để lập ra phủ lỵ mới. Dân cư các nơi hội tụ về ngày một đông đúc hình thành nên khu phố mới lấy tên là phố Thọ Xuân (ghép chữ đầu hai thôn Thọ Linh và Xuân La)
Năm 1955, Núi Đối trở thành huyện lỵ trung tâm hành chính của huyện Kiến Thuỵ, gồm 2 cụm dân cư Thọ Xuân và Tắc Giang nằm 2 bên bờ Bắc và bờ Nam sông Đa Độ, thuộc địa bàn quản lý của xã Thanh Sơn. Đến nay đã qua 3 lần tách, nhập huyện nhưng Núi Đối vẫn được chọn làm huyện lỵ.
Tháng 2 năm 1987, thị trấn Núi Đối được thành lập trên cơ sở một phần đất của xã Minh Tân và của xã Thanh Sơn. Địa bàn dân cư được tổ chức theo 4 tiểu khu: Thọ Xuân, Cẩm Xuân, Cầu Đen và Hồ Sen.
Theo số liệu thống kê ngày 1/4 năm 2009, số dân của thị trấn Núi Đối là 4.209 người với 1.046 hộ. Mật độ dân số 2520 người/km2. Số người trong độ tuổi lao động 60% dân số, trong đó cán bộ, công chức viên chức lao động chiếm 30%.
Số đông dân thị trấn theo đạo Phật. Cộng đồng dân cư luôn đoàn kết gắn bó, chung sức xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng giàu đẹp và phát triển.
2. Lịch sử, truyền thống
Những năm 1937-1939, Núi Đối là nơi diễn ra các hoạt động của tổ chức Hướng đạo sinh hưởng ứng phong trào dân chủ với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú.
Nhân dân Thị Trấn đã từng chứng kiến và tham gia tích cực vào quá trình cách mạng của huyện và địa phương. Tại Cống Đối và Cầu Đen, ngày 4/8/1945 đã diễn ra các trận đánh quyết liệt của tự vệ Thọ Xuân và tự vệ các xã lân cận chặn quân Nhật trên đường rút từ Kim Sơn về Kiến An. Ngày 18/5/1947, tự vệ địa phương chiến đấu dũng cảm chống quân Pháp tái chiếm tại cống Tắc Giang, làm chết 4 tên và nhiều tên khác bị thương. Từ năm 1947-1955, thực dân Pháp ra sức bình định, càn quét vùng chiếm đóng, nhất là khu vực huyện lỵ. Nhân dân nơi đây vẫn một lòng một dạ hướng theo kháng chiến, đẩy mạnh chiến tranh du kích hoạt động trong lòng địch, góp phần vào công cuộc kháng chiến thắng lợi.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Núi Đối là trung tâm của huyện lỵ, có các cơ quan ban, ngành, bệnh viện, trường học, chợ đều đóng trên địa bàn nên là trọng điểm bắn phá, của không quân Mỹ. Nhân dân Thị trấn đã thể hiện được ý chí kiên cường cách mạng, sản xuất giỏi chiến đấu giỏi, bảo vệ quê hương, tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong sự nghiệp xây dựng CNXH và thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là từ khi trở thành một đơn vị hành chính độc lập, thị trấn Núi Đối luôn giữ vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá- xã hội đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của toàn huyện.
Nhân dân Thị trấn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (2005); 277 cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương các loại; qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thị trấn Núi Đối có 38 liệt sỹ, 53 thương, bệnh binh, 331 người tham gia quân đội, thanh niên xung phong.
3. Kinh tế
Cơ cấu kinh tế hiện nay của thị trấn Núi Đối chủ yếu là phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ, nông nghiệp chỉ có 6 ha, diện tích ngày càng co hẹp do mở rộng các khu dân cư. Các hộ hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ chiếm 72,7%, sản xuất tiểu thủ công nghiệp chiếm 26,2%, nông nghiệp chỉ còn 1,6%.
Chợ Đối là chợ trung tâm giao lưu buôn bán hàng hoá lớn của cả vùng; quy mô ngày càng phát triển, diện tích 3.000 m2; số hộ kinh doanh bán buôn bán lẻ trong chợ và khu vực gần chợ 265 hộ. Doanh thu trung bình trong 5 năm qua đạt 17.067 triệu VND.
Là huyện lỵ, thị trấn trở thành đầu mối giao thông quan trọng, nhiều đường lớn đi qua địa bàn. Hệ thống đường nội bộ được phủ nhựa 100%. Phương tiện vận tải chủ yếu bằng ôtô phục vụ sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Thu nhập bình quân đầu người 2008: 12,3 triệu VND.
Hộ có nhà xây mái bằng kiên cố 70 %. Tỷ lệ người dùng điện thoại 80 máy/100 dân, máy vi tính 40 máy/100 hộ dân; xe máy 97% số hộ; tỷ lệ hộ có ti vi chiếm 100 %.
Cuộc vận động xoá đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động nhân đạo từ thiện phát triển sâu rộng theo hướng xã hội hoá, ngày càng phát huy hiệu quả. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang.
Tỷ lệ hộ nghèo 5,3% theo tiêu chí mới.
4. Văn hoá - xã hội
Từ vị trí địa lý thuận lợi mà thiên nhiên ban tặng, với vai trò là trung tâm của một huyện vùng ven biển; trải suốt chiều dài lịch sử người dân nơi đây luôn cần cù lao động, kiên cường chống áp bức bóc lột, chống giặc ngoại xâm, đấu tranh để sinh tồn và phát triển, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Hương ước các khu dân cư nay có sự kế thừa nét đẹp truyền thống xưa, xoá bỏ những hủ tục lạc hậu; xây dựng đời sống văn hoá mới vui tươi lành mạnh. Thiết chế văn hoá đồng bộ. Nhà văn hoá, đài phát thanh, bưu điện văn hoá hoạt động hiệu quả. Phong trào văn nghệ-thể thao quần chúng phát triển mạnh.
Thị trấn xưa dân cư chủ yếu thuộc xã Thọ Linh tổng Sâm Linh và xã Xuân La tổng Trà Phương ra sinh sống. Những địa phương này đều nổi tiếng có truyền thống học hành, có nhiều bậc túc nho tiêu biểu.
Phát huy truyền thống hiếu học, giáo dục của thị trấn Núi Đối dưới chế độ mới không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng. Là điểm sáng về đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi, luôn dẫn đầu huyện về số lượng học sinh giỏi, giáo viên giỏi các cấp. Thị trấn hoàn thành phổ cập tiểu học năm 1990, trung học cơ sở năm 2000, phổ cập trung học và nghề năm 2008.
Trường Mầm non đạt trường chuẩn Quốc gia. Trường Tiểu học và Trường THCS liên tục nhiều năm liền đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp thành phố.
Số người có học vị thạc sỹ 16, đại học, cao đẳng 1013 (thống kê cả người thoát ly, đi xa)
Dưới chế độ mới công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân đạt được nhiều kết quả. Thị trấn Núi Đối đã được công nhận chuẩn quốc gia về y tế. Liên tục nhiều năm liền không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Trạm y tế đảm bảo điều kiện khám, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân.
5. Định hướng phát triển
Theo quy hoạch tổng thể, thị trấn Núi Đối sẽ trở thành đô thị vệ tinh của thành phố Hải Phòng. Trong 5- 10 năm tới sẽ được mở rộng diện tích và dân cư sẽ tăng lên gấp đôi. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ tiếp tục phát triển mạnh. Tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần sẽ là thế mạnh được phát huy.
Mở rộng các tuyến đường 401,402, 405 (đoạn qua thị trấn) lấy đó làm trục đường chính, làm cơ sở để phát triển khu dân cư. Phát triển không gian đô thị khu công sở, tăng thêm mật độ các khu vực ven thị trấn. Xây dựng những khu nhà mới theo kiểu hiện đại, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Các khu nhà ở được tổ chức theo mô hình mặt phố hoặc biệt thự theo mô hình thành phố vườn phục vụ du lịch.
Xây dựng chợ Đối làm khu trung tâm dịch vụ thương mại. Tổ chức các trung tâm công cộng, dải cây xanh, sân vận động, công viên, nhà văn hoá, câu lạc bộ thể dục thể thao.... khu du lịch nghỉ ngơi bố trí phía nam thị trấn, dọc sông Đa Độ, kết hợp với các điểm vui chơi, thắng cảnh, khu di tích lịch sử trong huyện. Đẩy mạnh phát triển các công trình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến theo hướng hợp lý và coi trọng vấn đề giữ gìn môi trường cho nước sông Đa Độ.