Vương Triều Nhà Mạc - Kinh đô lịch sử
Được xếp hạng di tích lịch sử vào năm 2004, Vương triều Mạc là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng của Kiến Thụy nói riêng và Hải Phòng nói chung.
Vị trí địa lí

Bản đồ từ trung tâm huyện Kiến Thụy đến khu tưởng niệm.
Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc nằm cách trung tâm huyện Kiến Thụy khoảng 5,8 km, nằm tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.
Lịch sự hình thành Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc
Sử sách ghi lại: Vương triều Mạc do Thái tổ Mạc Đăng Dung (1483-1541) sáng lập ra. Ông là người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). Ông thuộc dòng dõi, con cháu của những danh nho đời Trần như Mạc Hiển Tích, Mạc Đĩnh Chi.
Tuy sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, nhưng ông lại có tài năng võ nghệ nên đã trúng tuyển cuộc thi tuyển dũng sĩ và dành hơn 20 năm cuộc đời phục vụ dưới 4 triều vua Lê. Trong khoảng thời gian đó, ông đã lập được nhiều chiến công và nắm quyền chỉ huy binh mã cả nước.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung được thăng tước Thái Sư rồi ép Lê Cung Hoàng nhường ngôi cho mình. Việc nhà Mạc thay thế một nhà Hậu Lê không còn đủ năng lực và bị thiên hạ chán ghét là tất yếu của lịch sử. Nếu dòng họ Mạc không nổi dậy thì các dòng họ thế tộc khác cũng làm điều tương tự trong bối cảnh lúc đó.

Ban thờ chính điện (Nguồn ảnh: Hpnews ).
Sau gần 3 năm làm vua, Mạc Đăng Dung lui về Dương Kinh ở ẩn, trao lại ngôi báu cho con trưởng Mạc Đăng Doanh nhưng vẫn ngầm chỉ đạo việc triều chính. Từ đó cho trở đi, con cháu của Mạc Đăng Dung thay nhau lên nối ngôi và tham gia tiếp quản việc triều chính.
Nhà Mạc đã trải qua 5 đời vua: Mạc Đăng Dung (1527 - 1529), Mạc Đăng Doanh (1530 - 1540), Mạc Phúc Hải (1541 - 1546), Mạc Phúc Nguyên (1547 - 1561) và Mạc Mậu Hợp (1562 - 1592). Đến đầu năm 1593, triều đại nhà Mạc chính thức khép lại dưới tay quân Lê-Trịnh, đánh dấu 66 năm trị vì.
Trong suốt quãng thời gian 66 năm đó, nhà Mạc đã đưa ra nhiều chính sách cải cách, phát triển kinh tế làm cho đời sống nhân dân no đủ, xã hội ổn định. Nhà Mạc không theo chính sách “trọng nông, ức thương” như thời Lê sơ nhưng đã đưa được kinh tế vùng Đông Bắc mạnh lên với thủ công, thương nghiệp phát triển, tiêu biểu như gốm sứ thời nhà Mạc đã vươn tới thị trường Đông Nam Á và các nước Trung Đông v.v…Thời Mạc còn được gọi là “Mạc Thị sùng Nho”, trọng Nho sĩ, nhiều kỳ thi đã được tổ chức dù chiến tranh xuất hiện liên miên. Dưới thời nhà Mạc nhiều hiền tài đã xuất hiện, tiêu biểu trong số những hiền tài của đất nước thời bấy giờ là Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ và Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tuy là một vương triều có thời gian tồn tại ngắn nhưng không thể phủ nhận rằng triều đại nhà Mạc đã để lại những dấu ấn tốt đẹp cho lịch sử nước nhà giai đoạn nửa đầu thế kỷ XVI.
Kiến trúc độc đáo cùng những cổ vật quý
Quần thể di tích khu tưởng niệm được xây dựng trên diện tích quy hoạch là 10,5 ha, nhưng hiện tại mới hoàn thành giai đoạn 1 và 2 là 2,5 ha bao gồm các hạng mục như: Nghi môn ngoại, cầu đá, hồ cá, nghi môn nội, nhà văn bia, nhà giải vũ và nhà chính điện.

Nghi môn nội của Khu tưởng niệm (Ảnh: thanhdoanhaiphong.gov.vn).
Nghi môn ngoại có kết cấu kiểu tứ trụ, hai trụ chính cao 5.27m hai trụ bên cao 4.88m. Trên các đầu trụ trang trí đèn lồng giống búp sen, trên đỉnh trụ hai bên có đắp Lân và hai đỉnh trụ giữa có đắp Phượng. Thân bốn mặt có chạm khắc tứ quý. Cây cầu đá được làm bằng đá khối, liên kết mộng truyền thống, tường lan can đục rỗng trang trí hoa văn họa tiết tinh xảo.

Nghi môn ngoại với kết cấu tứ trụ (Ảnh: thanhdoanhaiphong.gov.vn).
Cổng của nghi môn nội có tổng diện tích 122.27m2, bao gồm nghi môn tả, nghi môn hữu. Nghi môn làm thành hai tầng, tám mái chồng diêm, ba gian và bốn hàng chân cột. Tả - hữu môn xây gạch, mái dán mũi hài phục chế. Họa tiết đắp vẽ hoa văn. Đi qua nghi môn nội sẽ là hai nhà văn bia với kết cấu kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, khung và mái bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, ngói chiếu hoa văn hình chữ Thọ.
Tiếp đến là hai nhà giải vũ. Trước kia nơi đây chính là nơi để các quần thần chuẩn bị soạn sửa xiêm y trước khi vào bái kiến Vua. Trọng tâm của Khu tưởng niệm là nhà chính điện được làm trên nền móng của Điện Tường Quang. Phần mái được xây dựng bờ nóc bờ chảy trên có đắp lưỡng long chầu nguyệt, đao mái được đắp hoa lá. Hình dáng đao được làm theo lề lối mực thước cổ. Mái lợp ngói mũi hài phục chế, mái chiếu có hoa văn chữ Thọ.

Nhà văn bia có bia đá khắc chiếu nhường ngôi của nhà Lê cho nhà Mạc (Ảnh: thanhdoanhaiphong.gov.vn).
Nhà chính điện có tổng diện tích 586.19 m2, được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của công trình lịch sử văn hóa thời Mạc với bố cục mặt bằng hình chữ công(I), bao gồm ba phần:7 gian tiền đường, 5 gian hậu cung và nối giữa tiền đường và hậu cung là ống muống hay còn gọi là nơi thiêu hương. Toàn bộ nhà chính điện được nâng đỡ bởi 100 cây cột gỗ lim.
7 gian tiền đường là nơi thờ linh vị của của những người đã kế tục sự nghiệp nhà Mạc sau năm 1592 khi nhà Mạc thất thủ tại Thăng Long, lúc đó con cháu và hậu duệ vẫn tiếp tục sự nghiệp trấn thủ tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang…và tồn tại hơn 85 năm.

Cầu đá trang trí hoa văn họa tiết tinh xảo (Ảnh: thanhdoanhaiphong.gov.vn).
Trong nhà chính điện, còn có chuông Đại Hồng chung do các nghệ nhân Huế đúc vào ngày 15 tháng 8 năm 2010 trước sự chứng kiến của con cháu họ Mạc gốc Mạc cùng đông đảo bà con địa phương và du khách thập phương. Trên chuông được chạm khắc hóa văn tinh xảo. Ngoài ra, các nhạc khí dùng cho việc hành lễ như chiêng, trống đều được đặt trang trọng bên trong nhà chính điện.

Thanh Định Nam Đao gắn với những chiến công của Đức Thái Tổ Mạc Đăng Dung (Ảnh: thanhdoanhaiphong.gov.vn)
Đặc biệt, Khu tưởng niệm Vương triều Mạc hiện đang lưu giữ thanh Định Nam Đao của Mạc Thái Tổ. Đây là bảo đao đã cùng Thái tổ xông pha chiến trận và bách chiến bách thắng. Thanh đao dài 2m55, cân nặng 25,6 kg, lưỡi đao dài 0,95cm, cán đao dài 1.6m được làm bằng sắt rỗng, có cá chốt chặt lưỡi đao và cán đao. Một hình đầu rồng bằng đồng thau che kín phần cuối lưỡi đao vào cán đao thay thế cho khâu đao. Thanh Định Nam Đao đã gắn với công lao sự nghiệp của Thái Tổ Mạc Đăng Dung, trải qua nhiều biến cố thăng trầm, đến ngày 22-9-2010 (tức ngày 15 tháng 8 năm Canh Dần), chi họ Phạm gốc Mạc ở thôn Ngọc Tỉnh, Xuân Trường, tỉnh Nam Định cùng con cháu dòng tộc và Nhân dân địa phương đã long trọng nghinh rước báu vật của tiên đế về lưu thờ tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc.
Văn hóa lễ hội
Năm 2012, UBND huyện Kiến Thụy đã quyết định đưa Lễ hội khai bút đầu xuân diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm vào hoạt động của Khu tưởng niệm. Với ước nguyện về một năm học hành tấn tới, thu cử đỗ đạt, Lễ hội khai bút đầu xuân không chỉ thu hút các em học sinh của các nhà trường trên địa bàn thành phố tham gia, mà còn thu hút hàng nghìn du khách gần xa và Nhân dân địa phương tham dự. Đây là dịp để cả xã hội hòa mình vào không khí trang trọng, phấn khởi và ý nghĩa sâu sắc của lịch sử, văn hóa dân tộc. Lễ hội được tổ chức trong 03 ngày chính, từ ngày mồng 6, 7 và mồng 8 Tết Nguyên đán hằng năm và kéo dài đến hết ngày 15 tháng Giêng.

Các học sinh khai bút tại Lễ hội. (Ảnh: TTXVN)
Với thế hệ trẻ, lễ hội này đánh thức sự tự hào về di sản văn hóa, lịch sử của đất nước. Những hoạt động tôn vinh truyền thống, những lễ nghi trang trọng giúp họ hiểu rõ hơn về những nét đẹp, phẩm chất truyền thống mà người Việt đã gìn giữ qua hàng thế kỷ. Đồng thời, lễ hội cũng là cơ hội để thế hệ trẻ học hỏi về lòng kiên nhẫn, sự kiên cường và tinh thần đoàn kết mà các tổ tiên đã truyền lại. Với người dân địa phương, lễ hội không chỉ là dịp để tận hưởng niềm vui, sum họp mà còn là thời điểm quan trọng để họ cùng nhau tôn vinh, bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Không chỉ là một sự kiện cá nhân, lễ hội khai bút mùng 6 còn tạo ra một không khí đoàn kết, tình thân thuộc trong cộng đồng, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Ngoài ra, lễ hội này còn mang đến ý nghĩa nhân văn lớn lao. Việc này thể hiện tinh thần sức mạnh cộng đồng, lòng yêu thương và tinh thần đoàn kết. Nó đánh thức và lan tỏa những giá trị quý báu từ quá khứ đến hiện tại, từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần làm giàu thêm cho di sản văn hóa của dân tộc.