image banner
TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Đền Mõ - Di tích văn hóa quý báu Kiến Thụy

Đền Mõ - Di tích văn hóa quý báu Kiến Thụy

 

Đền Mõ là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, một di tích lịch sử văn hóa thờ Công chúa Quỳnh Trân, người có công với quê hương đất nước và đã được các triều đại nhà nước phong kiến trao 12 bản sắc phong.

Lịch sử lâu đời của đền Mõ

Đền, chùa Mõ là một cụm di tích liền kề thuộc xã Ngũ Phúc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, nằm cách trung tâm huyện khoảng 4km sát ngay bên đường quốc lộ. Đền Mõ thờ Quỳnh Trân công chúa, người đã có công khai hóa mảnh đất này. Tương truyền vào thời Trần (1226 - 1400), công chúa Quỳnh Trân - con gái vua Trần Thánh Tông trước khi quy Tam Bảo đã chọn mảnh đất làng Nghi Dương thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn (nay là thôn Du Lễ, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy) lập điền trang, thái ấp, cấp lương thực, tiền bạc cho người nghèo đói, tập hợp muôn dân trong vùng đến đây làm ăn, sinh sống. 

Cổng vào Đền Mõ. Ảnh: Nguồn Báo An ninh Hải Phòng

Công chúa Quỳnh Trân đã cho lập một mạng lưới truyền tin dân dã, được quy định bằng tiếng mõ. Tiếng mõ là hiệu lệnh xác định giờ giấc sinh hoạt, sản xuất đồng áng, là khẩu lệnh tác chiến khi giặc dã, hỏa hoạn, trộm cướp… nên cảm ơn ân đức của Bà người dân đã gọi công chúa là “Bà chúa Mõ”. Ngoài ra, công chúa Quỳnh Trân còn tỏ rõ là một nhà thao lược vẹn toàn, giàu lòng yêu nước.

Khi bờ cõi có giặc Nguyên Mông xâm lược, bà đã chiêu tập binh sĩ, tích góp lương thảo, góp phần giúp triều đình đánh đuổi ngoại xâm. Khi công chúa viên tịch (ngày mồng 3 tháng 11 năm 1308), vua Trần Anh Tông ra chỉ, tặng sắc phong và cấp 300 quan tiền cho 5 xã: Nghi Dương, Xuân Dương, Mai Dương, Tú Đôi, Du Lễ rước sắc phong về và dựng điện đề thần hiệu thờ phụng bên chùa Nghi Dương. Đặc biệt, công lao của bà còn được các triều đại phong kiến tiếp theo ban tặng 11 sắc phong còn nguyên vẹn đến ngày nay. Trong tâm thức văn hoá tâm linh, Quỳnh Trân công chúa được được Nhân dân tôn phong là Thánh - Phật, Thánh mẫu.

Tam quan Đền Mõ Hải Phòng. Ảnh: HPNews.

Để ghi nhận công lao to lớn của Bà, người dân trong vùng đã lập đền thờ ngày đêm lưu truyền hương khói. Cây gạo người trồng đã 733 năm rồi nhưng mùa tiếp mùa vẫn tốt lá xanh cây, mỗi dịp tháng hai hoa gạo nở đầy, như đón chào quý khách về đây thắp nén hương thơm kính dâng lên Bà chúa Mõ và mừng ngày xuân hội ngộ.

Nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của đền Mõ

Ngoài câu chuyện lịch sử đầy hấp dẫn thì kiến trúc đền Mõ cũng thu hút sự quan tâm của du khách như hệ thống rường, đấu, câu đầu, cốn, bẩy hiên… với nghệ thuật chạm khắc vô cùng đặc sắc. Đền Mõ được xây dựng cạnh chùa tạo thành một quần thể kiến trúc thống nhất. Đền Mõ nằm trong khuôn viên có diện tích 12.724m2, bên cạnh đền là một chùa cổ, (gọi là chùa Mõ) có cây gạo cổ thụ trên 700 năm, cành lá xum xuê tỏa bóng. 

Ảnh: Nguồn internet.

Từ ngoài vào là con đường nhỏ chạy dài xuyên qua Tam quan gọi là Thần đạo. Theo “thần đạo”, chạy thẳng vào là gian tiền đường (nhân dân quen gọi là cung đệ tam), hai bên là hai tòa giải vũ 5 gian, 2 trái. Kiến trúc của đền gồm 3 tòa nhà, bố cục theo kiểu “Tiền nhất hậu đinh”, gồm 5 gian tiền đường (cung đệ tam), 5 gian đại bái (cung đệ nhị) và 2 gian hậu cung hình chuôi vồ. Các tòa nhà kề sát nhau tạo cho đền mang dáng vẻ thâm nghiêm và trang trọng. Tòa tiền đường xây theo kiểu “tường hồi bổ trụ giật tam cấp”, tạo cho ngôi đền mang dáng vẻ vững chắc. Ba gian trung tâm tòa tiền đường lắp hệ thống cửa gỗ lim kiểu “cửa tùng cung khách” chắc chắn và đẹp. 

Tượng Quỳnh Trân công chúa được đặt trong khám ở gian hậu cung, nơi trang nghiêm của ngôi đền. Hơn 700 năm đã trôi qua, lịch sử đã bao bước thăng trầm nhưng đền chùa Mõ vẫn được gìn giữ như thủa ban đầu bằng lòng thành kính của người dân nơi đây.

Bằng tấm lòng biết ơn sâu sắc của nhiều thế hệ người Kiến Thụy và sự quan tâm của chính quyền địa phương qua các thời kỳ, người dân địa phương đền Mõ đã dần được tôn tạo khang trang hơn nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn những nét đẹp mang tính lịch sử, văn hóa, kiến trúc của mình. Hàng năm, vào những ngày lễ tết, đặc biệt 12/2 âm lịch hàng năm từ xa xưa đã trở thành ngày hội truyền thống của dân các xã trong vùng. 

Với những giá trị lâu đời về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cùng ý nghĩa về mặt tâm linh, tín ngưỡng, đền Mõ xứng đáng là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Đối với người dân nơi đây, đền Mõ là không gian sinh hoạt tín ngưỡng nổi bật, nơi tất cả cùng hướng về với sự quan tâm, lòng kính trọng và biết ơn. Đối với du khách, đền Mõ là điểm đến tâm linh hấp dẫn, góp phần làm cho hành trình khám phá du lịch thêm đa sắc vị, là nơi để mọi người được hòa mình vào không gian linh thiêng, lắng nghe dư âm của lịch sử, tìm đến với sự tĩnh tại, thanh thản trong lòng.

Mỹ Tâm
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0