Xã Thụy Hương tích tụ ruộng đất xây dựng các vùng sản xuất tập trung
Xã Thụy Hương tích tụ ruộng đất xây dựng các vùng sản xuất tập trung
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/4/2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy Kiến Thụy; Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 31/5/2023 của UBND huyện về triển khai thực hiện Nghị quyết Của Ban Thường vụ Huyện ủy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tích tụ ruộng đất xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đảng ủy xã Thụy Hương đã xây dựng chương trình hành động; đồng thời chỉ đạo UBND xã xây dựng kế hoạch về tích tụ ruộng đất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của địa phương. UBND xã đã chỉ đạo các thôn tiến hành rà soát, thống kê toàn bộ diện tích canh tác bị bỏ hoang. Qua rà soát, toàn xã có tổng 29,45ha Nhân dân không canh tác. UBND xã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn xã về chủ trương thực hiện tích tụ ruộng đất, xây dựng các vùng sản xuất tập trung theo tinh thần chỉ đạo của huyện và địa phương.
Trên cơ sở hướng dẫn của UBND huyện về hồ sơ các mô hình tích tụ ruộng đất, xây dựng các vùng sản xuất tập trung; trong đó có hướng dẫn về hồ sơ tích tụ ruộng đất nông nghiệp; hướng dẫn tạm thời xây dựng, lắp dựng công trình nhà bảo vệ, nhà kho phục vụ sản xuất nông nghiệp; Hướng dẫn quy trình, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Đây là cơ sở để địa phương, các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện các mô hình tích tụ ruộng đất và quản lý sử dụng đất nông nghiệp, quản lý các mô hình tích tụ.
Là địa phương có thế mạnh nông nghiệp, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, xã thụy Hương đã hướng dẫn các ngành chuyên môn tổ chức họp Nhân dân trên địa bàn 3 thôn để triển khai, tuyên truyền, vận động những hộ có đất không sản xuất cho thuê, mượn lại ruộng, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tích tụ ruộng đất về mặt chủ trương, hướng dẫn hồ sơ thủ tục tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, hướng dẫn lắp dựng nhà chòi bảo vệ, để vật tư phục vụ sản xuất tại các vùng tích tụ,…
Qua hơn một năm triển khai, thực hiện xã đã xây dựng được 12 mô hình tích tụ, với tổng diện tích 23,4ha; trong đó khắc phục 23,4 ha ruộng bỏ hoang đưa vào sản xuất. Các mô hình đang được thực hiện gồm: 01 mô hình trồng sắn dây, diện tích 0,6ha là đất canh tác của hộ gia đình và đất 5% thuê của UBND xã; 01 mô hình trồng cây hàng năm, diện tích 1,8ha; 01 mô hình trồng hoa, diện tích 1,8ha; 05 mô hình trồng sen, diện tích 15,7ha; 01 mô hình trồng lúa, diện tích 1,5ha và 03 mô hình trồng lúa kết hợp NTTS 2,8 ha.
Các mô hình tích tụ ruộng đất để trồng lúa, kết hợp NTTS có 04 mô hình, với tổng diện tích 4,3ha. Các mô hình tích tụ ruộng đất để chuyển đổi sang trồng cây hàng năm như: Sen, rau mầu,... có 08 mô hình, tổng diện tích 19,1ha. Thực tế tích tụ tại xã cho thấy, các mô hình đưa vào thực hiện rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, bước đầu đem lại hiệu quả, lợi nhuận tăng trung bình từ 15 triệu/ha/năm trở lên so với cùng diện tích sản xuất cây trồng truyền thống.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện các mô hình cũng gặp nhiều khó khăn do diện tích bỏ hoang lâu ngày, nên nhiều chuột trú ngụ; hệ thống kênh, mương thủy lợi nội đồng chưa đáp ứng tốt việc tiêu thoát nước, phục vụ sản xuất, do đó chi phí đầu tư cho cải tạo đồng ruộng và diệt chuột lớn, do vậy lợi nhuận thu từ các mô hình bước đầu thu về chưa được cao.
Việc thực hiện tích tụ ruộng đất, xây dựng các vùng sản xuất tập trung tại xã Thụy Hương hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một số hộ dân còn tâm lý giữ ruộng; hệ thống kênh, mương không được nạ, vét thường xuyên, nên lòng mương bị bồi lấp, không đủ nước cung cấp cho Trạm bơm hoạt động, ảnh hưởng đến tiến độ làm đất; số doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo mô hình tích tụ trên địa bàn xã còn ít; việc lập sơ đồ hiện trạng của các thửa đất tích tụ gặp nhiều khó khăn do các thửa ruộng bỏ hoang lâu ngày, mất bờ vùng, bờ thửa. Trên địa bàn xã hiện mới có 01 mô hình trồng sắn dây là hoàn thiện hồ sơ, còn lại các mô hình chưa hoàn thiện được hồ sơ theo hướng dẫn của các ngành chức năng.
Hiện nay, xã còn 7,81 ha ruộng bỏ hoang, địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tích tụ và chuyển đổi, xã đang quyết tâm phấn đấu để hoàn thành trong năm 2024 theo kế hoạch đã đề ra./.
Vân Anh