Giới thiệu chung về huyện Kiến Thụy
Từ nền kinh tế thuần nông, với những nỗ lực phát triển nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt phát triển hệ thống giao thông, ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn huyện cũng như nâng cao đời sống nhân dân... nông thôn Kiến Thuỵ đang từng ngày thay da đổi thịt.
- Diện tích: 166,83 Km2
- Dân số: 17,3 vạn người
- Đơn vị hành chính: 1 thị trấn, 24 xã
- Cơ cấu GDP: nông nghiệp 33%, công nghiệp - xây dựng 45%, dịch vụ 22%
- Tốc độ phát triển kinh tế: 12,5%/năm
Có hai sông Văn Úc và Lạch Tray chảy qua, 50% diện tích đất đai bị chua mặn, 20% đất trũng, Kiến Thuỵ vốn là huyện thuần nông. Trên đất Kiến Thuỵ, cán bộ và nhân dân xã Đoàn Xá đã tìm ra phương thức khoán 10. Dù vậy, những năm 80 của thế kỷ XX trở về trước, năng suất lúa toàn huyện chỉ đạt 5 tấn/ha/năm - thuộc diện thấp nhất thành phố. Trong thời gian vừa qua, Đảng bộ và nhân dân huyện đã không ngừng nỗ lực vươn lên trong công cuộc xoá đói giảm nghèo.
Bức tranh toàn cảnh kinh tế:
Kiến Thuỵ có 19,68 km bờ biển, 4.500 bãi triều ngập nước, trong đó có 200 bãi triều cao. Điều kiện môi trường không thuận lợi cho canh tác lúa, nhưng đặc biệt thích hợp cho hoạt động nuôi trồng và phát triển thuỷ, hải - đặc sản. Với những thuận lợi ấy, Kiến Thuỵ đã xác định nuôi trồng thuỷ sản là hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế mũi nhọn của huyện. Từ chủ trương đó, huyện đã triển khai xây dựng khu nuôi tôm công nghiệp (1 trong 5 khu của thành phố đến năm 2005), các trại sản xuất và dịch vụ tôm giống trên diện tích 175 ha sử dụng 100% thức ăn và phương pháp nuôi trồng công nghiệp. Không những thế, chính quyền địa phương còn khuyến khích người dân nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, nước lợ theo mô hình kinh tế trang trại tạo bước đột phá trong nuôi trồng thuỷ sản. Hiện nay, Kiến Thuỵ đã đưa 2.483 ha vào nuôi trồng thuỷ sản, chiếm 24% diện tích đất canh tác (trong đó có 7 vùng). Đặc biệt 2 xã Tân Thành và Hải Thành chuyển 100% diện tích canh tác sang nuôi trồng thuỷ sản.
Trong chăn nuôi, Kiến Thuỵ đã và đang hình thành các trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm. Đến nay, toàn huyện có 41 trang trại chăn nuôi có hiệu quả. Nếu tính cả số hộ gia đình, toàn huyện có đến 500 - 600 mô hình nuôi 50 - 100 đầu lợn siêu nạc chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Tiêu biểu là các trang trại của các ông Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Văn Dũng (xã Anh Dũng). Kết quả chăn nuôi đạt khá với tổng 88 nghìn đầu lợn và 55 nghìn gia cầm.
Về trồng trọt cũng có khá nhiều động thái và chuyển biến tích cực. Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng phê duyệt kế hoạch đầu tư, cơ chế hỗ trợ nông dân huyện vay vốn ưu đãi mua máy cơ khí phục vụ sản xuất (2002 - 2005). Tổ hội cơ khí nông nghiệp xã Hợp Đức tập hợp hàng trăm máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp ở xã và các địa phương khác phục vụ sản xuất và chế biến nông sản. Ngoài trạm khuyến nông, huyện thí điểm 2 trung tâm học tập cộng đồng thực hiện nhiệm vụ chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phổ biến kiến thức pháp luật, đồng thời vận động các phong trào, dự định sẽ nhân rộng mô hình này tới tất cả các xã. Tăng cường cơ khí hóa cải tạo ruộng vườn, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, huyện đã từng bước đưa năng suất lúa lên 8 tấn/ha và hiện nay là 10,7 tấn/ha, đứng hàng thứ 3 về năng suất lúa của thành phố. Ngoài ra, huyện Kiến Thụy còn hình thành những vùng nông sản phục vụ xuất khẩu quy mô nhỏ.
Tuy phát triển cả trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, song tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GDP lại giảm xuống còn 33% (giảm 12,4% so với năm 2000). Điều này cho thấy, sự phát triển mạnh của công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và du lịch - dịch vụ. Trong ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, Kiến Thuỵ đã hình thành một số ngành công nghiệp mũi nhọn như sản xuất giày vải xuất khẩu, dệt may xuất khẩu, nhựa, bao bì và các mặt hàng truyền thống như mây tre đan, dệt thảm, hàng thủ công mỹ nghệ... Năm 2002, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 611 triệu đồng, trong đó công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp do huyện quản lý đạt 32 triệu đồng. Với 74 di tích lịch sử cùng các lễ hội truyền thống, các danh thắng như núi Đối, núi Trà Phương, cùng hệ thống giao thông thuận lợi... Kiến Thuỵ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Hiện nay, huyện đã có kế hoạch phối hợp cùng các điểm du lịch đồ Sơn, núi Voi (An Lão), núi Phù Liễn (Kiến An) thành khu du lịch, nghỉ ngơi liên hoàn. Đồng thời, huyện đang xúc tiến công tác lập và triển khai một số dự án như: khôi phục di tích Dương Kinh nhà Mạc, xây dựng công viên Bến Thuyền Đa Độ, đường du lịch sau núi Đối...
Xây dựng cơ sở hạ tầng:
Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn là khâu đột phá để Kiến Thuỵ đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trong công tác xây dựng cơ bản năm 2001, tổng giá trị thực hiện đạt gần 61 tỷ đồng với 105 hạng mục công trình, gồm 10 khu nhà trung tâm huyện, 10 trụ sở làm việc của Uỷ ban nhân dân các xã, 21 trường từ mầm non đến trung học cơ sở, 4 trạm y tế, 3 công trình điện... Năm 2002, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng nhà thi đấu đa năng, đường 401, 402, đường vòng quanh núi Đối, dự án công viên Bến Thuyền và một số công trình trọng điểm khác. Phong trào làm đường nông thôn (gồm cả đường nhựa, cấp phối, xi măng, bê tông) phát triển ở hầu hết các địa phương. Một số trục đường chính của huyện đã được cải tạo, nâng cấp cả quy mô, chất lượng, góp phần từng bước đô thị hoá khu trung tâm huyện. Chủ trương xây dựng đường 353 và phát triển mạnh khu đô thị phía Nam thành phố đã tác động mạnh đến đời sống kinh tế - xã hội Kiến Thuỵ. Với chủ trương tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện đã tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp từ khâu lập dự án, giải phóng mặt bằng... Hiện nay, toàn huyện có trên 30 doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, các cấp, ngành học có chuyển biến tích cực cả về quy mô lẫn chất lượng đào tạo. Trong những năm qua, ngành giáo dục đã triển khai các nhiệm vụ quan trọng như bồi dưỡng kiến thức cho học sinh yếu, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho giáo viên, tu bổ bàn ghế, trang thiết bị dạy và học và triển khai tốt chương trình đổi mới sách giáo khoa lớp 1 và lớp 6... Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học và trung học cơ sở đạt 98 - 99%, trung học phổ thông đạt trên 95%. Các trung tâm học tập cộng đồng đã thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động vào các doanh nghiệp.
Do sản xuất - kinh doanh phát triển, đời sống nhân dân đã từng bước được nâng cao, từ 20% hộ nghèo (năm 1992), đến năm 2002 huyện chỉ còn 4% hộ thuộc diện nghèo. Sức khoẻ của dân được quan tâm, các chương trình y tế quốc gia như tiêm chủng mở rộng, phòng chống thiếu muối i-ốt, phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện tốt.
'Huyện đang phát triển toàn diện nhưng có trọng tâm, lấy phát triển thuỷ sản làm mũi nhọn, phát triển hệ thống giao thông là khâu đột phá', ông Phạm Văn Đới, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Kiến Thụy kết luận. Trong quy hoạch thành phố đến năm 2010, Kiến Thuỵ được xác định là đô thị vệ tinh và vùng phụ cận quan trọng trong chiến lược phát triển. Trong tương lai, các khu công nghiệp tập trung sẽ được xây dựng dọc đường 353 và một số khu công nghiệp hình thành sâu trong địa bàn huyện. Nếp sống văn minh công nghiệp, văn minh đô thị lan toả từ các địa bàn này sẽ là những cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thu hút lao động, phát triển mạnh dịch vụ. Khu du lịch núi Đối được quy hoạch theo hướng nhà vườn và khu chung cư cao tầng, đảm bảo đây là một trong điểm nối với Cát Bà - Đồ Sơn. Đây là một tiền đề quan trọng giúp kinh tế Kiến Thuỵ phát triển mạnh hơn nữa./.